Cuộc trò chuyện vào sáng thứ bảy, ở một quán cà phê bên cạnh hồ bán nguyệt Phú Mỹ Hưng với Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, chúng tôi không nói nhiều về nước giải khát mà xoay quanh quyển sách "Chuyện nhà Dr Thanh" vừa xuất bản và câu chuyện về bà Nụ, người mẹ của cô doanh nhân học Đại học Harvard (Mỹ) .
CHỦ ĐỀ: Trần Ngọc Bích - Giám đốc Tân Hiệp Phát
Ít ai biết rằng, trước thời điểm Tập đoàn Tân Hiệp Phát chìm nổi trong sóng gió thì gia đình Dr Thanh đã có một biến động lớn khi bà Nụ, mẹ của Trần Uyên Phương bị đốn ngã bởi cơn đột quỵ phải nằm một chỗ. Kế tiếp, khi vừa đứng dậy thoát sinh tử trong gang tấc thì bà tiếp tục phát hiện mình bị ung thư. Bà Phạm Thị Nụ, mẹ Trần Uyên Phương là một trong những người phụ nữ có vai trò quan trọng trong tập đoàn Tân Hiệp Phát lẫn ngôi nhà của gia đình Dr Thanh. Bà có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến ông Thanh lẫn cô con gái lớn là Uyên Phương mà ông Thanh vốn đặt nhiều kỳ vọng.
Nói về bạn bè, học hành, về ba thì Uyên Phương sôi nổi đầy hào hứng, nhưng khi bắt đầu hỏi về Mẹ, mắt Uyên Phương bắt đầu ngấn nước mắt.
Trong tất cả những biến động của Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương luôn xuất hiện cùng với ông Thanh, ba mình, như một cánh tay đắc lực. Và trong quyển sách Chuyện nhà Dr Thanh của mình mới đây, cô cũng dành gần 200 trang viết về ba. Từ thời trai trẻ, những sai lầm, tình trường lẫn thương trường và cả những trận đòn sinh tử của ba khiến cô phải nhập viện… đều được kể. Uyên Phương thú nhận: "Ba luôn là hình mẫu của tôi, không chỉ là người thầy khó tính, ba còn là người bạn tri kỷ". Quyển sách viết về gia đình nhưng ba là nhân vật chính đầy ý nghĩa mà cô dành tặng cho ba mình. Mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 10 trang, quá ít so với 210 trang sách. Phải chăng "con gái thương cha" nên mẹ chỉ là phần vơi hơn trong lòng cô?
Trả lời câu hỏi này, Uyên Phương tâm sự: "Cuộc sống của tôi tràn đầy hình ảnh má. Nhưng viết về má thật là không dễ. Người ta thường nói, con gái thương ba hơn thương má, nhưng thật ra phần lớn câu chuyện của ba là do chính má kể. Má tuy có vẻ ít được biết đến nhiều như ba, nhưng vai trò của má không hề nhỏ. Vào ngày đưa má vào bệnh viện cấp cứu vì đột quỵ, ba tôi là người sốc nhiều nhất. Chỉ với câu ba nói: "Nếu má có chuyện gì ba sẽ không còn động lực để tiếp tục chiến đấu", là đủ biết má tôi là người quan trọng không chỉ với con cái mà với chính ba tôi đến dường nào."
Bà Nụ, sinh ra trong một gia đình Công giáo. Thời trẻ bà là cô gái nhan sắc nổi tiếng, thông minh, tháo vát. Suốt nhiều năm tháng bà là tay hòm chìa khóa của công ty, giao tiếp đối nội, đối ngoại một tay bà đảm trách.
Là người sát cánh cùng mẹ trong những chuyến chuyển viện liên tục, hết bệnh viện VN, Singapore, Thái Lan rồi đến Nhật, Uyên Phương chứng kiến má mình chiến đấu vượt qua sinh tử, chứng kiến từng sợi tóc rụng sạch trên mái đầu của bà cho đến khi từng sợi tóc mới hồi sinh. Uyên Phương tâm sự, ba là người thầy dạy cô về lãnh đạo, về những bài học thương trường thì má chính là người dạy cô về sự kiên cường, nhẫn nại.
Trên màn hình điện thoại Uyên Phương, tấm ảnh được cô cài đặt tự động là ảnh cô chụp cùng mẹ. Đó là tấm ảnh bà Nụ với nụ cười nhẹ nhõm và mái tóc lơ phơ mỏng manh đã hồi sinh trở lại sau những chặng đường gian nan vượt qua những lần phẫu thuật, hóa trị rồi xạ trị ung thư.
"Má rất ít nói về chính mình. Nhưng cách má vượt qua những khó khăn thắt ngặt của đời mình là quá lớn đối với chị em tôi". Phương nhớ lại thời gian bà Nụ bị quật ngã bởi bệnh tật. Sau hơn 12 tiếng đồng hồ bất tỉnh, im lìm trên chiếc giường cấp cứu trắng toát, bà tỉnh lại nhưng nửa người đã liệt không còn cử động được nữa. "Khi tỉnh dậy, trong cơn bão lòng bao trùm của cả mấy cha con, má chỉ nói "Má không sao đâu!". Những bài tập dành cho người liệt như má dù khó đến mấy má cũng từ chối các sự trợ giúp với thái độ dứt khoát: "Để má tự làm". Rồi khi vừa vượt qua cánh cổng sinh tử của cơn đột quỵ, má tôi đón nhận kết quả sinh thiết ung thư với ý chí mạnh mẽ là "Má sẽ vượt qua được".
Ở cả hai vai, đứng sau lưng ba vượt qua các các cơn bão sống còn của công ty gia đình và bước đi cùng mẹ qua con đường gập ghềnh của sinh tử, ở cô gái trẻ này đã ít nhiều có những biến chuyển trong suy nghĩ.
Sinh tử của má và sự sống còn của công ty mà cả gia đình dày công gầy dựng, khi đứng giữa những khó khăn cùng môt thời điểm Phương học được điều gì?
Trả lời câu hỏi này, Phương chia sẻ: "Mọi việc khó khăn trong gia đình và ngoài công ty cũng xảy ra cùng lúc nên lúc đó mọi thành viên trong nhà chạy như thoi. Khi má rơi đối diện sinh tử, mỗi thành viên trong gia đình gắn kết lại với nhau chặt chẽ hơn. Lúc đó mới cảm nhận được, cái gì là thành công, tiền bạc không còn quan trọng, mọi người còn có nhau, gắn kết với nhau đã là hạnh phúc".
Nhận xét
Đăng nhận xét