Giữa tháng 7, chính quyền nhiều tỉnh khu vực phía Nam ban hành quy định "3 tại chỗ" gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất. Nhưng với doanh nghiệp thủy sản, dường như đây chỉ là cái ổng thở chứ không phải liều thuốc điều trị.
Sau hơn một tháng thực hiện, 35% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, số còn lại chỉ hoạt động với công suất trung bình 40 - 50%.
Nguyên nhân không chỉ là chi phí để lo nơi ăn, chốn ở và xét nghiệm định kỳ cho công nhân tại khu vực nhà máy quá cao, phần đông doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi yêu cầu và buộc phải lựa chọn tạm đóng cửa mà cả việc tắc nghẽn thu mua, vận chuyển khiến thủy sản nằm yên trong ao.
Chia sẻ tại một cuộc họp mới đây giữa doanh nghiệp thủy sản và Bộ NN&PTNT, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho biết công ty đã thuê tất cả khách sạn, kể cả khách sạn 5 sao tại địa bàn các nhà máy nhưng cũng không đáp ứng được toàn bộ số lượng nhân viên.
Hiện chỉ có 23% công nhân Minh Phú có thể đi làm và công suất các nhà máy cũng chỉ khoảng 20 - 30%.
Còn với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, lựa chọn giữa việc "đóng" và "mở", giữa việc chấp nhận chi phí tăng và sinh kế của công nhân - dù chỉ là một bộ phận nhỏ - dường như khó khăn hơn bao giờ hết.
"Phí tổn tăng khá nhiều, chế biến cách này không có hiệu quả. Nhưng không làm, người khó khăn tăng thêm; không làm, người nuôi tôm biết bán đâu; không làm, đối tác bắt đền bù hợp đồng sẽ ra sao!", ông Lực nói.
Để chuẩn bị cho 2 tuần "3 tại chỗ" theo thông báo đầu tiên của tỉnh, Sao Ta mất trước đó một tuần chuẩn bị. Sao Ta tận dụng mọi chỗ trống; chỗ đẹp ưu tiên phụ nữ; nam chia nhau nền sàn.
Hai tuần chất vật trôi qua. Lao động tham gia gần 40%, kể cả khối gián tiếp. Sản phẩm chỉ đạt 25-30% so bình thường, một phần do đội ngũ là sự gom chung nhân lực nhiều xưởng về chế biến một xưởng, một số kỹ năng chưa thành thục, năng suất lao động thấp. Ai cũng trông mong ngày kết thúc, kết quả là thêm 2 tuần gia hạn.
"Thêm 2 tuần gia hạn", có lẽ là tin mà không doanh nghiệp nào muốn nghe nhưng nó là sự thật. Họ tiếp tục thoi thóp với chiếc "máy thở" mang tên "3 tại chỗ" - biện pháp mà chính quyền các tỉnh coi là giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong đại dịch.
Đại diện của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI lo ngại việc cầm chừng chỉ 30% lao động và công suất, sẽ dẫn đến việc thiếu lao động sau khi hoạt động công ty bình thường trở lại.
"Việc giãn cách càng cao thì công nhân thất nghiệp càng lớn. Không đi làm không có lương. Sau này công ty kéo công nhân lại về sản xuất rất khó", đại diện IDI cho biết.
Tại Cà Mau, đã có lúc doanh nghiệp được tạo điều kiện để sản xuất bình thường, nhưng chỉ một công ty phát hiện F0, tất cả nhà máy trong tỉnh phải quay lại "3 tại chỗ" nếu muốn tiếp tục sản xuất.
Hệ quả là công suất sản xuất đang từ 95% so với trước dịch, rớt xuống vài chục phần trăm.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.
Còn tiếp...
Nhận xét
Đăng nhận xét